Đối với Thái Thụy, đây là cơ hội phát triển và vận hội lớn trong tương lai nhưng đồng thời là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, là trách nhiệm to lớn đối với tỉnh.
H.Thái Thụy đã thành lập được 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là trên 320 ha. Đến nay, các cụm công nghiệp đã thu hút được 13 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.700 tỉ đồng, đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện. Giá trị sản xuất, thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước tăng đều qua các năm.
Theo ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND H.Thái Thụy: "Năm 2023, Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất đạt trên 33.400 tỉ đồng, tăng 13,7 % so với năm 2022. Nhiều giải pháp đang được huyện triển khai thực hiện để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm, xứng đáng là huyện nằm trong trọng điểm khu kinh tế Thái Bình".
Hiện nay, H.Thái Thụy đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Ngày 29.7.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 36/2017/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Đây là Khu kinh tế ven biển bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải với diện tích tự nhiên 31.000 ha. Khu kinh tế Thái Bình bao gồm các khu chức năng như khu trung tâm điện lực Thái Bình; khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư, đô thị, dịch vụ; khu hành chính… đây là sự kiện đặc biệt quan trọng.
Đến ngày 28.10.2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg quyết định về phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Khu kinh tế Thái Bình bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển, trong đó H.Thái Thụy gồm 14 xã và 1 thị trấn.
Ngoài ra, đường quốc lộ ven biển đi qua địa bàn huyện đang được triển khai tích cực. Cụ thể, ngoài cầu sông Hóa, các cây cầu lớn trên tuyến quốc lộ 37, đường bộ ven biển nối liền Hải Phòng - Thái Thụy đang từng bước hoàn thiện; TT.Diêm Điền được chỉnh trang theo mô hình đô thị loại 4; dự án Khu công nghiệp - đô thị (KCN) Liên Hà Thái nằm trong Khu kinh tế Thái Bình đang được triển khai và hiện thực hóa từ chủ trương của Đảng và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực sự là động lực cho Thái Thụy cất cánh trong tương lai gần.
Đến nay, trên địa bàn H.Thái Thụy, KCN Liên Hà Thái trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng Đảng bộ và nhân dân H.Thái Thụy mà còn của người dân Thái Bình nói chung.
Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, sau 2 năm đi vào hoạt động, KCN Liên Hà Thái thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 1 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư 754 triệu USD.
Ông Lê Đình Đáp, Phó tổng giám đốc Công ty CP Green Ipark, nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái - H.Thái Thụy, nhận định: "Chúng tôi về đây rất vui mừng và hạnh phúc vì có sự đồng hành của chính quyền và người dân Thái Thụy trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án này. Điều này thể hiện tư duy năng động của huyện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng giúp chúng tôi đẩy nhanh tiến độ dự án".
Với những thời cơ và thách thức mới, H.Thái Thụy đang từng bước phấn đấu xây dựng H.Thái Thụy văn minh, hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của một vùng kinh tế biển trong khu vực, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.