Vốn thích công nghệ nên từ cuối năm 2021,ôngdânTàyphấtlênnhờlivestreambánhànổ hũ long long long anh Lường Quang Đại, 33 tuổi, ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông nảy ra ý tưởng làm video chia sẻ về cuộc sống lên rừng, lên rẫy của mình. Ông bố hai con tự tìm hiểu cách quay, cắt, ghép để thành một video ngắn. Vì không biết diễn nên anh ghép nhạc, lồng tiếng để người xem hiểu nội dung mình muốn truyền tải.
Đại cho biết thời gian đầu chỉ có chiếc smartphone rẻ tiền, dung lượng thấp. Không có ai hỗ trợ, anh cắm điện thoại vào cọc tre, tự quay, tự nói một mình. Nhiều khi khung hình chưa chuẩn, phải làm đi làm lại.
"Những video đầu tiên của tôi quay trong rừng vì ngại bà con nghĩ mình kỳ quặc", anh Đại nói.
Vợ anh Đại, chị Lý Thị Xuân, 28 tuổi, cho biết ban đầu chưa hiểu việc chồng làm nên "rất ngứa mắt". Đang đi rừng, vợ muốn làm cho nhanh để về kẻo mưa giông thì chồng dừng lại quay, chụp. Về nhà, vợ bận bịu với lợn gà với con nhỏ, anh vẫn cắm mặt vào điện thoại cắt dựng video. "Không biết bao lần tôi nổi cáu với anh", người vợ dân tộc Dao kể.
Một lần video của Đại được lên xu hướng, lượt xem tăng vù vù. Nhìn chồng vui như Tết và đọc bình luận khen ngợi của độc giả khiến chị Xuân thấy việc làm của anh cũng có ích. Từ lúc đó, Đại không còn phải độc thoại nữa. Trong các video xuất hiện thêm hình ảnh người vợ lúc nào cũng cười hiền.
Những video về mùa lên rừng hái măng, bắt cua đá về nướng, hay hình ảnh cặp vợ chồng hạnh phúc bên bữa cơm đơn sơ ở lán dần trở nên quen thuộc với người dùng mạng xã hội. Nhiều video của cặp vợ chồng nông dân này đạt 5-7 triệu lượt xem. Tài khoản Tiktok và Facebook của người đàn ông dân tộc Tày có hàng chục nghìn người theo dõi.
Nhiều người đã để lại bình luận khen cuộc sống yêu lao động, vất vả nhưng ngập tiếng cười của vợ chồng Đại. "Video của các bạn đã truyền cho tôi năng lượng tích cực vượt qua thời điểm khó khăn nhất cuộc đời"; "Tôi đã khóc, tủi thân và hạnh phúc lây trước cuộc sống của các bạn"; "Nhẹ nhàng, văn minh và chân thật, anh chị đi theo chiều hướng bán hàng như vậy chắc chắn sẽ bán được nhiều đơn", một số người nói.
Cuối năm 2022, một video quay đồi quýt của gia đình đã được rất nhiều người hỏi mua, khiến anh Đại nảy ra ý tưởng bán hàng trên Facebook. Mỗi bài đăng của anh có hàng trăm người đặt mua. Anh liên hệ bưu điện tìm phương án vận chuyển tối ưu, chọn lựa từng quả và đóng gói cẩn thận. Đơn hàng đến tay người nhận ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An vẫn tươi ngon sau ba ngày. Hết quýt của nhà, anh chuyển sang bán giúp bà con xóm giềng.
Tháng 4/2023, Đại được mời tham gia chương trình tập huấn bán nông sản do nền tảng mạng xã hội Tiktok phối hợp với chính quyền địa phương. Anh được hỗ trợ lập gian hàng và tham gia vào một cộng đồng bán nông sản trên nền tảng số, quen thêm nhiều bạn bè từ các vùng miền, học hỏi thêm về cách xây kênh và livestream. Người đàn ông này cũng nhiệt tình tham gia các chương trình phát trực tiếp bán nông sản cho bà con ở Bắc Giang, Đồng Tháp, Yên Bái.
Lợi thế có kênh khá nổi nên những buổi livestream đầu của Đại đã thu hút vài trăm người xem. Các mặt hàng truyền thống của gia đình như miến dong thái tay, măng khô, trà mát gan, trà giảo cổ lam, trà dây và trà hoa đu đủ được người xem mua khá chạy.
Dù vậy cặp vợ chồng vẫn là những nông dân không giỏi ăn nói nên có những phiên không chốt được đơn nào. Họ động viên nhau kiên trì. Cả tháng 5, gia đình chỉ bán được 60 đơn, doanh thu 14 triệu đồng. Tình hình cải thiện hơn vào tháng 6, họ bán được 408 đơn, doanh thu 95 triệu đồng; tháng 7 được 560 đơn, doanh thu 132 triệu đồng. Đến tháng 8 được 1.300 đơn, doanh thu 365 triệu đồng.
Có một lần video của họ được lên "hot" trước giờ live. Vừa bắt đầu buổi phát, Đại thấy đã lên cả 1.000 người xem. "Sau 40 phút tôi phải tắt gấp vì không còn hàng bán", anh nói. Buổi hôm đó anh bán trà giả cổ lam, toàn bộ kho chỉ đáp ứng được 700 đơn.
"Trước đây hai vợ chồng làm quần quật, mỗi năm để được tối đa 200 triệu đồng. Đến giờ bán hàng qua mạng, mỗi tháng có thể dành được 150-200 triệu đồng", anh Đại cho biết.
Cuối năm ngoái, vợ chồng Đại đã thành lập hợp tác xã để bán thêm nông sản của các bà con xung quanh, với mục tiêu nâng tầm và đưa nông sản Bắc Kạn đi xa. Hiện cơ sở của họ tạo việc làm cho ba người và 10 lao động thời vụ.
Theo chị Hoàng Thị Hạ, phó bí thư huyện đoàn huyện Bạch Thông, Đại và vợ là số ít những thanh niên tiêu biểu của xã áp dụng chuyển đổi số vào tiêu thụ nông sản. Mới đây Lường Quang Đại là một trong 10 thanh niên của tỉnh Bắc Kạn được vinh danh đã có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số.
Nhìn lại chặng đường đã qua, cặp vợ chồng cho biết nếu như trước đây cả năm chỉ trông chờ vào vụ cam, quýt nhưng gần như năm nào cũng trong tình trạng được mùa mất giá, cam để thối rụng vì giá bán không bù được công thu hái. Nhưng với phương cách bán hàng mới, gia đình không còn nỗi lo đầu ra.
Cặp vợ chồng Dao - Tày khuyên bà con nên nắm bắt cơ hội chia sẻ các video chân thật về cuộc sống hàng ngày, từ lúc chăm sóc đến khi có thành quả. Khi kênh của mình tốt, khách hàng sẽ tự tìm đến.
Với anh chủ kênh này, dù nổi tiếng và thành công đến đâu và tương lai sẽ có nhiều thay đổi, nhưng anh sẽ không bao giờ bỏ nông nghiệp. "Tôi có thể làm nông nghiệp theo hướng bền vững hơn, áp dụng các công nghệ cao hơn, nhưng cái gốc của mình vẫn sẽ mãi là một anh nông dân", Đại nói.
Phan Dương